Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

DƯỚI BÓNG CÂY CƠ NIA





Đoàn công tác của bu dưới bóng cây Kơnia, QL27 năm 2000



Cứ mỗi lần nghe ca sĩ Măng thị Hội hát bài Dưới bóng cây  Kơ nia bu tui lại thẫn thờ có khi cả buổi.  Thẫn thờ vì nhớ Tây Nguyên, nhớ một chuyến công tác cách nay trên mười năm, bu dừng xe dưới mấy gốc cây cơ nia trên một đỉnh dốc gần đèo Chuối thuộc quốc lộ 27, mở to ca khúc Dưới bóng cây cơ nia lời thơ Ngọc Anh nhạc của Phan Huỳnh Điểu cho cả đoàn nghe. Nhạc quyện vào lời, lời quyện vào tiếng lá cây Kơ nia rì rào ngay trên đầu mình như thổn thức, như  nghẹn ngào, làm  cả đoàn ngồi lặng.  Bu thấy cay cay  khóe mắt nghĩ đến nhà thơ Ngọc Anh, một nghệ sĩ đã để lại cho đời mãi mãi một cây kơ nia tuyệt vời, là một nghệ ỹ vô danh.
    Ngọc Anh và Nguyên Ngọc là học sinh nhập ngũ cùng  một ngày, cùng làm lính, làm phóng viên mặt trận, rủ thêm Nhật Lai nữa lên Tây Nguyên, vì hăng hái, vì lãng mạn, vì thích phiêu lưu mạo hiểm. Ba ông lang thang khắp Tây Nguyên suốt thời kỳ đánh Pháp, làm đủ thứ việc không tên và có tên:  Đánh giặc, làm rẫy, đi vận động quần chúng, tổ chức du kích, vũ trang tuyên truyền…cả rong chơi la cà trong các buôn Ê đê, Giarai, Mơnông, Sêđăng, Triêng Dẻ, Cor…Trong ba người thì Ngọc Anh đẹp trai nhất, đẹp đến nỗi có lần đóng kịch hóa trang giả làm con gái, Nguyên Ngọc đứng cạnh bổng lúng túng  ngượng ngùng đến đỏ mặt như đứng cạnh một giai nhân.  Thế nhưng trong ba người thì Ngọc Anh là Tây Nguyên nhất, Nguyên Ngọc tự nhận “Chúng tôi hình như ít nhiều có “làm ra vẻ” Tây Nguyên. Ngọc Anh thì Tây Nguyên từ trong máu” (1). Tập kết ra bắc Nhật Lai đã thành nhạc sỹ tiếng tăm, Nguyên Ngọc là nhà văn nổi tiếng với tiểu thuyết Đất nước đứng lên, còn Ngọc Anh  âm thầm về Ban Dân tộc Trung ương làm một cán bộ nghiên cứu. Có lần Nguyên Ngọc giục viết gì đi chứ, Ngọc Anh chỉ cười.  
 

*
*  *

     Khoảng 1956 1957, trên các báo rải rác thấy đăng một số bài thơ  Tây Nguyên, bên dưới chỉ ghi “Dân tộc Bana”, “Dân tộc Êđê” kèm theo dòng chữ nhỏ hơn trong ngoặc đơn “Ngọc Anh dịch”. Nhà văn Nguyên Ngọc cho hay “Chính tôi mãi về sau này mới biết chẳng phải “dịch” gì cả. Đó là thơ sáng tác của Ngọc Anh. Hàng chục, hàng trăm bài. “Bóng cây kơnia” là bài hay nhất. Lạ lùng thay, tôi phải viết hàng mấy trăm trang hì hục để có một chút gì đó Tây Nguyên. Ngọc Anh chỉ viết:

Bóng tròn che lưng mẹ
Về nhớ anh mẹ khóc

***
Bóng ngả che ngực em
Về nhớ anh không ngủ

***
Rể mày uống nước đâu?
Uống nước nguồn miền Bắc

***

Bài thơ được phổ nhạc, làm rung động mọi tâm hồn Việt Nam ở cả hai miền Nam Bắc, cũng làm rung động cả những dân tộc ngoài biên giới Việt Nam khi nghe ca sỹ Măng thị Hôi đến biểu diễn.  Nhà thơ Ngọc Anh đã gieo hạt kơnia vào mỗi tâm hồn Việt Nam,  mọc thành cây  xanh tươi, tỏa bóng mát cho rất nhiều thế hệ.  Ấy vậy mà  mỗi lần trình bày ca khúc Dưới  bóng cây kơnia người ta chỉ nói vắn tắt “Sáng tác của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu”, Ngọc Anh trở thành vô danh.

*
*  *

        Năm 1964 nhà thơ Ngọc Anh hy sinh dưới chân núi Ngọc Linh huyện Đak Glei phía bắc tỉnh Kon tum.  Hai mươi ba năm sau chị Xoa vợ nhà thơ Ngọc Anh  cùng con trai tên là Bắc vào tìm hài cốt chồng.  Cuộc tìm kiếm được sự giúp đỡ của các vị lãnh đạo Gialai và Kontum diễn ra ròng rã trong  sáu tháng trời.  Đến một buổi trưa, ở chân núi Ngọc Linh, trong một làng của người Cor, anh cán bộ công tác thương binh xã hội của tỉnh thắp nhang khấn vái, cầm rựa đi chặt một mắt tre làm chén tạm rót rượu bổng vấp một hòn đá nằm sâu trong đám lá mục. Anh moi tiếp lá mục quanh hòn đá thì phát hiện ra đá được xếp theo hình chữ nhật, ra ngày ấy  những người lính chôn cất đồng đội đã cẩn thận xếp đá quanh mộ để đánh dấu…cho ngày hôm nay! Chị Xoa còn nhận ra được chiếc  răng sâu bên trái hàm trên của người chồng chị chỉ được chung sống trước sau vẻn vẹn có bốn mươi ngày…Mộ Ngọc Anh bây giờ đặt ở nghĩa trang liệt sỹ Điện Bàn Quảng Nam. Tấm bia bia nhỏ ghi dòng chữ đỏ:

Liệt sĩ Ngọc Anh
Nhà văn
     
Nhà văn Nguyên Ngọc khẳng định “Trong danh sách tất cả hội viên Hội nhà Văn Việt Nam trước nay kể cả những người đã mất do Ban công tác hội viên của Hội lưu trử đến nay có tất cả 592 người. Không có tên Ngọc Anh”.  (1)
    Người nghệ sĩ đã để lại cho đời mãi mãi một cây kơnia tuyệt vời là một nghệ  sĩ vô danh.

***********

 Mời bạn thưởng thức ca khúc Dưới bóng cây kơnia, thơ Ngọc Anh nhạc Phan Huỳnh Điểu theo địa chỉ sau: 




(1) Theo Tản mạn nhớ quên của Nguyên Ngọc 



22 nhận xét:

  1. Cây sau lưng Bạn mặc áo sọc, cạnh Bu có phải là Săng Lẻ không.
    Tôi không nhìn rõ lá, thân cây giống lắm. Tôi vẫn nhớ cánh rừng Săng lẻ Trường Sơn khi xưa, một màu xanh trùng điệp của lá cây pha lẫn với màu trắng bạc của thân cây, dưới chân lá khô như những mảnh kim loại nhỏ xinh !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đấy là những cây kơ nia bạn ơi
      Đoàn công tác của bu từ Đà lạt về Đắc lắc theo QL27 và dừng lại dưới mấy gốc cây kơ nia nghe bài hát DƯỚI BÓNG CÂY kơ nia thơ Ngọc Anh, nhạc Phan Huỳnh Điểu.
      Bài viết biến đâu mất tiêu rồi bu sẽ chép vào lại

      Xóa
  2. Rễ cây cơ nia ấy nó bám vào đâu, bác BU ơi..:)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bám vào đất và chắc rể nó dài lắm nên mới uống được nước nguồn miền bắc hehehe

      Xóa
  3. Nghệ thuật có lắm chức năng rất lạ... nó có thể biến 1 dòng sông, một ngọn núi, một con người vô danh trở thành bất tử... Cây Kơ - Nia cũng vậy...nó nằm sâu ngủ lịm giữa rừng đại ngàn cho đến khi gặp đôi cánh âm nhạc của Phan Huỳnh Điểu để trở thành bất tử. Kính nhờ bác Bu: Nếu bác có cái ảnh nào chụp cận cảnh cây Kơ - Nia thì cho em xin. Trân trọng cảm ơn bác!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Để bu tui lục tìm xem đã, vì từ 1994 đến nay sợ thật lạc mất rồi.
      Quê nội bu trên bờ sông Linh Giang đấy, Bulukhin là dòng thác trên Rào Trổ một phụ lưu của sông Linh Giang ở Tuyên hóa
      Cảm ơn bạn đã ghé nhà

      Xóa
  4. Tại một buổi học văn - bài thơ “Bóng cây Kơ-nia”,
    - Cô giáo: - Em Hoàng Thị A hãy phân tích đoạn thơ:
    “Buổi chiều mẹ lên rẫy
    Thấy bóng cây Kơ nia
    Bóng tròn che lưng mẹ
    Về nhớ anh mẹ khóc...”
    - Em A: Thưa cô, bóng nắng buổi chiều chiếu, làm lưng mẹ ấm lên. Mẹ liên tưởng và nhớ đến người con khi còn nhỏ được mẹ gùi trên lưng mỗi lần lên nương rẫy. Hơi ấm của đứa con truyền sang lưng mẹ ngày xưa tựa như hơi ấm của mặt trời chiều hôm nay – Và mẹ khóc…
    - Cô giáo: Em A phân tích được. 8 điểm.
    - Cô giáo: - Em Nguyễn thị B hãy phân tích đoạn thơ:
    “Buổi sáng em lên rẫy
    Thấy bóng cây Kơ nia
    Bóng ngả che ngực em
    Về nhớ anh, không ngủ…”
    - Em B: Thưa cô…, thưa cô..., em hiểu, nhưng không thể nói ra, vì... xấu hổ lắm.
    - Cô giáo: Em giỏi, ngồi xuống, 10 điểm

    Trả lờiXóa
  5. Ngành giáo dục nước nhà hết thuốc chữa huhuhu

    Trả lờiXóa
  6. " Người nghệ sĩ đã để lại cho đời mãi mãi một cây kơnia tuyệt vời là một nghệ sĩ vô danh. "

    Đọc đến câu này thấy buồn và day dứt quá...
    Rất cảm ơn Bu về bài viết này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Jen đã sang đọc
      Không rõ mấy vị BCH Hội nhà văn VN nghỉ gì về Ngọc Anh.
      Một con người mang Tây Nguyên đến cho từng người VN cho bạn bè năm châu bốn biển mà thành ra vô danh???? Hai chữ NHÀ VĂN ghi trên bia mộ Ngọc Anh là do người Quảng Nam quê ông ghi vào...
      Không nói về ông một câu bu thấy mình vô ơn bội nghĩa....


      Xóa
  7. Ngày xưa có từng bản nhạc to bằng 2 tờ khổ A4, dưới mỗi tựa đề bản nhạc luôn ghi rõ NHẠC VÀ LỜI của ai, hoặc NHẠC của ai phổ THƠ của ai đó anh Bu ạ, chứ không nhập nhằng không rõ cội nguồn như bây giờ.

    Hiện nay thường thấy mỗi lần giới thiệu một ca sĩ hát một bản nhạc nào đó, người dẫn chương trình cũng chỉ giới thiệu tên bản nhạc và nhạc sĩ..mà thôi, ít khi nói tới nguồn gốc của LỜI nhạc..

    Anh Bu viết bài này đúng là đóng góp thêm chọ vấn đề thời sự nóng hổi về bản quyền của người sáng tác. Có lẽ phải đăng báo thôi anh Bu ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bây giờ thấy quyền gì của người dân cũng bị xâm phạm hết bạn à. Đến như quyền viết blog cũng bị xâm phạm đấy thôi.

      Xóa
  8. Cảm ơn chủ nhà cho biết thông tin về tác giả lời ca của 1 bài hát nổi tiếng.
    Đúng là cho đến nay, còn chưa nhiều người biết về tác giả ca từ mà người ta chỉ nhớ đến Phan Huỳnh Điểu.
    Cây Kơ nia của bà con Tây Nguyên là cây gì ngoài Bắc hả các bác?
    Cây gạo?
    Nếu là cây gạo thì hình ảnh trong bài không phải là cây gạo?

    Trả lờiXóa
  9. Bạn Hương Lan Lê à
    Cây Kơnia chỉ có từ núi rừng Quảng Nam vào cho đến Tây Nguyên mà thôi. Nó hoàn toàn không phải cây gạo. kơnia thân gỗ cao đến 30 mét đường kính có khi tới 60cm, bốn mùa lá xanh tươi. Gỗ kơnia bị mối mọt nhưng lúc khô lại rất khó cưa, người ta dùng gỗ cây kơnia làm thớt tốt không kém gì gỗ nghiến ngoài bắc.

    Trả lờiXóa
  10. Ở ngoài ngỏ thấy đăng bài Tản mạn Hoa Dã Quỳ. Vào nhà thì chẳng thấy bài đó đâu cả.
    Phát hiện ra nhà Bu có hồ cá đẹp quá. hồ cá nhà Jen xấu quắc à. Tủi ghê..hixhix.
    Không xem được bài mới jen ngồi cho cá nhà Bu ăn thôi. có mấy con cá mà Jen cho ăn cả ký thực phẩm. cá no quá ngất ngư hết rùi kìa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Blogspot lỗi to, mời bạn quá bộ dọc bên Yahoo HK
      Cá chết bu bắt đền đấy

      Xóa
    2. Hoa Dã Quỳ chẳng thấy đâu,
      Đành vào bể nước ngồi câu cá nhà.

      Xóa
    3. Cá nhà chẳng thấy chủ nhà
      Mồi ngon thả xuống vậy mà cá chê


      Xóa
  11. Bài hát Bóng cây Kơ-Nia nổi tiếng vì giai điệu đẹp, trữ tình và rất Tây Nguyên, đó là kết quả của nhiều năm đi thực tiễn, nằm vùng của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước. Bài hát càng đi sâu vào lòng người khi tiếng hát của người con gái Tây Nguyên Măng Thị Hội cất lên. Cho đến bây giờ không ai có thể hát bài này hay như Măng Thị Hội. Và cũng chính nhờ có Phan Huỳnh Điểu và Măng Thị hội mà bài thơ Bóng cây Kơ Nia mới được biết đến nhiều hơn. Theo mình thì tứ thơ chủ đạo của bài thơ này là buồn. Hai khổ thơ đầu là sự nhớ nhung do cảm nhận từ ánh nắng mặt trời của người vợ và người mẹ khi lên nương làm rẫy. Ngọc Anh đã rất tinh tế và nhân văn khi đặt mình trong tình cảm nhớ nhung này. Nhưng sự suy luận của tác giả lại rất khiên cưỡng, gán ghép khi viết “Uống nước nguồn Miền Bắc”. để trả lời câu hỏi của người mẹ : “Rễ mày uống nước đâu ?”. Nước nguồn Miền Bắc là gì ? Là hình tượng Hồ Chủ Tịch hay là những đường lối chủ trương xây dựng CNXH, mà ngày nay là những Định hướng XHCN. Đúng là một thời chúng ta có một niềm tin thật ấu trĩ vì dòng thơ văn ca ngợi. Tố Hữu từng viết “Ở đâu u ám quân thù / Nhìn lên Việt Bắc: Cụ Hồ sáng soi / Ở đâu đau đớn giống nòi / Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền” (Việt Bắc). Nhưng rồi Xuân Sách lại viết “Trông về Việt Bắc tít mù mây” (Chân dung nhà văn).
    Và còn mạch tư duy của tác giả cũng không nhất quán khi em hỏi: “gió mày thổi về đâu” thì cây trả lời: “về phương mặt trời mọc”, tức là về hướng đông, nhưng ở khổ thơ cuối lại viết “uống theo nguồn Miền Bắc” như “gió cây Kơ nia” (?)
    Vài nhận xét như vậy, mong tiên sinh Bulu chỉ giáo.

    Trả lờiXóa
  12. Đúng là Phan Huỳnh Điểu đã chắp cánh cho bài thơ của Ngọc Anh bay vút vào không gian và thời gian, nó tồn tại mãi mãi trong tấm trí người Việt Nam trước đây và có lẽ mãi mãi.
    Vào thời bài hát ra đời ai nghe câu "rể mày uống nước đâu, uống nước nguồn miền bắc" thì cảm động rơi nước mắt. Hồi ấy miền bắc là mẫu mực về mọi phương diện: Miền bắc có thủ đô Hà Nội trái tim tổ quốc, miền bắc có ông Hồ chí Minh được xem là vi thánh sống cứu nguy dân tộc, miền bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, nơi tự do dân chủ nhất hoàn cầu. Miền bắc là lương tâm thời đại. Chế Lan Viên viết "là ta ta vẫn mê ta". Bây giờ, khi con người sống trong thời đại thông tin, mở to mắt ra nhìn sự thật, thì cái thiên đường miền bắc chỉ là ảo ảnh. Cây kơnia mà biết nói thì nó sẻ bảo tôi chưa bao giờ uống nước nguồn miền bắc, tôi chỉ uống nước Tây Nguyên. Và nay nếu tôi có chết khô đi là vì con người phá rừng, chất độc bô xít ngấm vào đất...
    Ta không lấy cái nhìn bây giờ để thách cứ Ngọc Anh, mà chỉ phân tích để thấy cái đặc thù lịch sử do người cầm quyền nhào nặn ra...

    Trả lờiXóa