Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

TẢN MẠN VỚI BÁC LÊ NGUYỄN LƯU


Cô gái nhỏ bơi thuyền nhỏ (ảnh nét)


Chùa Hàn Sơn ở Tô Châu (bu chụp năm 2007)


Phong cảnh bên cạnh chùa Hàn Sơn ở Tô Châu (bu chụp năm 2007)


Bulukhin với bản khắc đá bài thơ Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế
ở chùa Hàn Sơn
(Năm 2007 ở Tô Châu)


1- Học giả Lê Nguyễn Lưu cho ra đời bộ “Đường thi tuyển dịch” (1) khá đồ sộ. Sách gồm hai tập tổng cộng 1845 trang, thống kê 1049 bài thơ của 173 tác giả thơ Đường.  Mỗi bài thơ tác giả thao tác trên ba công đoạn: phiên âm từ chữ Hán ra chữ Việt, dịch xuôi, dịch thơ. Riêng Lời nói đầu và phần Tiểu luận 206 trang, chiếm gần 11,2 % số trang sách. Ở mục “Cái khó trong ngôn ngữ” (Tr 185) tác giả nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn nói rằng việc nắm cho đúng cái mạch ý tứ của bài thơ Đường là một quá trình lao động khó khăn gian khổ, luôn luôn phải vắt óc suy nghĩ, cân nhắc, đắn đo, làm tiêu hao khá nhiều năng lượng. Không bao giờ người dịch được quyền cẩu thả, lơ là, và rất cần được người khác góp ý, phê bình, thảo luận, sửa chữa…”.  Theo phương châm vừa nêu, bác Lê Nguyễn Lưu bỏ ra nhiều trang để phê phán, nhận xét một số dịch giả,   bu tui chỉ đơn cử ra hai vị: Với Tản Đà, bác Lưu ngợi ca về tài năng dịch thuật, nhưng lại mượn lời Mai Quốc Liên  để phê phán “Tản  Đà có lần thất bại khi ông dịch bài Độ Tang (2) của Giả Đảo…Tản Đà đã đánh mất Giả Đảo…”,  Với học giả họ Trần, bác Lưu thẳng thắn đến độ thẳng thừng “ Trần Trọng Kim là một tác giả của cuốn Việt Nam văn phạm, thế mà không nắm được ngữ Pháp tiếng Hán cổ. Trong 336 bài dịch thơ đường của ông không có lấy một câu hay, lại mắc phải nhiều lỗi…”

2- Thực ra, bu tui chưa đọc hết 1049 bài thơ trong bộ Đường thi tuyển dịch của bác Lê Nguyễn Lưu nên chưa thể có nhận xét tổng quát. Thói quen của bu là chọn  tác giả nào thật nổi tiếng đọc trước, số còn lại lai rai đọc sau,  chẳng hạn với Trương Kế (vào khoảng trước sau 756 ) đọc “Phong Kiều dạ bạc”,  với Bạch Cư Dị (772-846) đọc “Trì thượng”. 

* Bu chép lại ba công đoạn dịch thuật của bác Lưu về bài Phong Kiều dạ bạc.

Nguyên văn chữ Hán       


楓橋夜泊 
月落烏啼霜滿天
江楓火對愁眠
姑蘇城外寒山寺

夜半鐘聲到客船


Phiên âm ra quốc ngữ
Phong Kiều dạ bạc
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

Dịch xuôi
       Trăng lặn, quạ kêu sương xuống đầy trời.
        Cây phong bên sông cùng ánh đèn chài ngủ giấc buồn.
        Từ chùa Hàn Sơn ngoài thành Cô Tô,
        Nữa đêm tiếng chuông vang vọng đến thuyền khách.

Dịch thơ
Sương mờ, quạ giục ánh trăng phai,
Cây bến sầu mơ  ngọn lửa chài.
Ngoài ngõ Cô Tô chùa Núi Lạnh,
Nữa đêm chuông vọng tới thuyền ai.

Bu tạm chưa nói tới phần dịch xuôi và dịch thơ của bác hay hoặc dở. Chỉ lấy làm lạ tại sao cũng một cái chùa mà khi dịch xuôi bác theo nguyên tác gọi là “Chùa Hàn Sơn” tới khi dịch thơ bác lại gọi là chùa “Núi Lạnh”.  Tên chùa Hàn Sơn có trước khi Trương Kế làm thơ, đến nay tên gọi đó đã tồn tại trên 1300  năm. Với người đọc Việt Nam ba tiếng Hàn Sơn Tự gợi lên sự huyền ảo, kì bí, tăng ý vị bài thơ Phong kiều dạ bạc, vốn là tuyệt đỉnh văn chương của mọi thời, di sản văn minh nhân loại (3). Nếu cứ máy móc như bác thì Thủ đô Hà Nội phải gọi  thủ đô Trong Sông, Đại Nội của Huế phải gọi  Trong Lớn, cầu Bạch Hổ trên sông Hương phải gọi là cầu Hổ trắng, nghe nó trần trụi như cái xác không hồn.  Đến đây bu phải dẫn ra bài dịch tuyệt hay của Tản Đà để thấy ba tiếng Hàn Sơn Tự thánh thót như tiếng chuông.
Trăng tà, tiếng quạ kêu sương,
Lữa chài cây bến sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.

* Với bài Trì thượng của Bạch Cư Dị  bác cũng thực hiện ba công đoạn.

Nguyên văn chữ Hán
池上
 
 
 

Phiên âm ra quốc ngữ
Trì thượng
Tiểu oa sanh tiểu đĩnh, 
Thâu thái bạch liên hồi, 
Bất giải tàng tung tích, 
Phù bình nhất đạo khai

Dịch xuôi
Cô gái nhỏ bơi thuyền nhỏ.
Hái sen trắng chở theo.
Biết gì che dấu vết,
Mở lối giữa ao bèo

Dịch thơ
Gái nhỏ bơi thuyền nhỏ.
Hái sen trắng chở theo.
Biết gì che dấu vết,
Mở lối giữa ao bèo.

Đọc xong công trình của bác, bu tui đâm nghi ngờ nhà thơ Bạch Cư Dị. Thi sĩ xuất chúng được người đời gọi là “Thi tiên” như Bạch tiên sinh sao lại đi trách cô bé hái sen “Biết gì che dấu vết” vì đã “Mở lối giữa ao bèo”. Công việc cô ấy là bơi thuyền đi hái sen mang về, để vui chơi hoặc đưa cho bố mẹ theo sự sai phái của họ. Cái sự hái sen của cô bé chắc phải có một uẩn khúc chi đó khiến nhà thơ mới hỏi như vậy. Hóa ra bác Lưu viết sai chữ thâu trong câu “Thâu thái bạch liên hồi”. Viết sai thì dịch sai là chuyện hiển nhiên. Chữ thâu đúng của Bạch Cư Dị có tự dạng 偷(bộ nhân ) nghĩa là đánh xoáy, lừa lúc người ta sơ hở để lấy cắp mang về,  trong khi đó  bác lại viết chữ thâu   (bộ phộc ) với nghĩa là thu hoạch, thu gom. Cô bé kia còn là trẻ con (tiểu oa), đi hái sen  của ai đó là trò ngịch ngợm chưa đủ khôn ngoan để che dấu đường đi của thuyền trên ao bèo.
Để thấy ý nghĩa đúng của chữ thâu bu dẫn ra bản dich của Tàn Đà
Người xinh bơi chiếc thúng xinh
Bông sen trắng nõn trắng tịnh thó về
Hớ hênh dấu vết không che
Trên ao để một luồng chia ao bèo

Nhà thơ Tản Đà dịch “tiểu oa” là “người xinh” đọc nghe nhịp điệu, xuôi tai, chứ thực ra không sát ý nguyên tác bằng “Cô gái nhỏ bơi thuyền nhỏ” như bác đã dịch, ở chỗ này thì bác hoàn toàn đúng.   

(1)  Nhà xuất bản Thuận Hóa 1997.
(2)  Đúng là Độ Tang càn (Qua bến tang càn)
(3)  Bài phong Kiều dạ bạc của Trương Kế
được ghi vào sách  ALMANACH Những nền văn minh thế giới,  Nxbvhtt Hà Nội 1995

55 nhận xét:

  1. hoàn toàn đồng ý với bác Bu.
    từ cổ tới kim, Tản Đà tiên sinh vẫn là ngọn thái sơn trong việc dịch thơ đường, chưa ai vượt qua.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihihi bài viết này cũng nhằm ngợi ca cụ Tản Đà

      Xóa
  2. Thơ Đường của Trung Hoa, thơ Haiku của Nhật, thơ Lục bát của Việt Nam... là những "đặc sản" của những dân tộc ấy, nó phù hợp với tất cả những gì thuộc về họ. "Dịch là phản", cái câu nói đó chắc luôn đúng trong mọi tình huống, người dịch dù tài giỏi, khèo léo đến đâu cũng không thể lột tả được hết cái tinh túy trong văn chương của người sang văn chương của mình. Người Việt mình lại có tánh hay chê cái của người, chỉ cho mình là nhất...

    Trả lờiXóa
  3. Ghé thăm anh Bu, thấy lạc lối giữa cái rừng kiến thức đồ sộ của anh và các bậc tiền bối...
    nhưthị hổng có biết bơi, lạc vào đây... chắc chết chìm quá đi!
    Hihi... Anh Bu chuẩn bị... cứu nhưthị nhé!!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Sắc bất ba đào dị nịch nhân"
      Nhan sắc làm chìm người chứ văn chương không làm chìm ai đâu

      Xóa
  4. Chắc là một kiêu PR của bác ấy,anh Bu nhỉ?

    Trả lờiXóa
  5. Sỏi sang thăm anh đọc bài anh viết và nói thuộc và thích Phong kiều dạ bạc đã lâu, Bài này ai dịch cũng hay. Phải nói cụ tản Đà dịch sang lục bát cũng là một tài hoa và một cách ngông của cụ. Bài này cụ dịch đọc rất thích !

    Trả lờiXóa
  6. Có Sỏi sang đoc là Bu tui vui lắm rồi

    Trả lờiXóa
  7. Vẽ rắn thêm chân với bác Bu
    1. Hàn San ( Hàn Sơn) Tự : Chùa HÀN SAN, như là một tên riêng quen thuộc với cả Việt nam và Trung Quốc, không nên dịch thành " Chùa Núi Lạnh". Không sai, nhưng mà thô và không cần thiết. Tôi đồng ý với bác.
    Bản dịch thơ, bác có chép lại đủ không? sao câu này chỉ có 6 tiếng?
    Ngoài Cô Tô chùa Núi Lạnh,
    Bản dịch của Tản Đà lại coi Cô Tô là bến, chứ không phải là thành. Hay ngoài thành Cô Tô có bến Cô Tô? Bác Bu tra cứu thử xem. Bởi vì tên bài thơ là Phong Kiều dạ bạc có nghĩa là đêm cắm thuyền ở ( bến)Phong Kiều chứ có cắm ở Cô Tô đâu?
    2. Bác Bu nói chữ Thâu có nghĩa là "đánh xoáy". Tôi biết chữ này các cụ nói đọc là DU. Có lẽ có thêm cách đọc là THÂU mà tôi không biết ( Tôi nghiêng về giả thiết này). Trong bài thơ Sơ Xuân của Nguyễn Tử Thành, nhà thơ viết : Dã điệp thâu hương đới phấn khinh. Các cụ dịch Bướm nội trộm hương nhẹ nhàng mang theo phấn. Chữ Du và chữ Thâu cùng một mặt chữ.
    Bất giải tàng tung tích. Theo tôi hiểu thì dịch Biết gì che dấu vết không sai, nhưng không xuôi. Phải chăng nên dịch thành : Không biết che dấu vết?
    Cụ Tản Đà vì cần có vần mà dịch:
    Bông sen trắng nõn trắng tịnh thó về
    Bông sen trắng nõn dịch từ bạch liên là đủ, thêm trắng tinh vào vừa thừa, lại vừa không chính xác với màu hoa.
    Vẽ rắn thêm chân thế, mong được bác và mọi người trao đổi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Vũ Nho à
      1- Cảm ơn bác đã phát hiện ra bu chép sót chữ ngõ, nay đã thêm vào
      2- Thành Tô Châu ngày nay vào thời Trương Kế làm thơ gọi là thành Cô Tô. Nói bến Cô Tô là chung chung quá vì ở Cô Tô rất nhiều bến, cái bến trong bài này phải là bến Phong kiều ( Phong kiều ở bài này là cầu làm bằng cây phong)
      3- Bạch liên nói sen trắng là đủ. Trắng nỏn trẳng tinh thì không phải là màu trắng của hoa sen trắng của hoa sen nữa rồi bu nhất trí với bác.
      3- Theo chỗ bu biết thì người Tàu có hai chữ vữa đọc du vừa đọc thâu, một chữ có bộ tâm, chữ kia có bộ nữ, nghĩa hai chứ này bu đã dẫn giải dưới đây cùng với những ví dụ. Chữ du bộ nhân có nghĩa là ăn trộm, bu gọi là đánh xoáy, Tản Đàà kêu là đánh thó, nghĩa đầy đủ của nó bu có dẫn ra ở đây.


      愉 du, thâu ( bộ tâm 忄)
      1. (Danh) Vui vẻ, cao hứng. ◎Như: du sắc 愉色 nét mặt hòa nhã vui tươi, du khoái 愉快 vui vẻ, du duyệt 愉悅 vui mừng.
      2. Một âm là thâu. (Tính) Cẩu thả, tạm bợ.
      媮 thâu, du ( bộ nữ 女 )
      1. (Tính) Khéo léo. ◇Tả truyện 左傳: Tề quân chi ngữ thâu 齊君之語媮 (Văn công thập bát niên文公十八年) Lời của vua Tề khôn khéo.
      2. (Phó) Cẩu thả. ◇Tào Thực 曹植: Liệt sĩ đa bi tâm, tiểu nhân thâu tự nhàn 烈士多悲心, 小人媮自閒 (Tạp thi 雜詩) Liệt sĩ thường nhiều bi tráng, tiểu nhân cẩu thả buông lung.
      3. (Động) Khinh thị, coi thường. ◇Tả truyện 左傳: Tấn vị khả thâu dã 晉未可媮也 (Tương công tam thập niên 襄公三十年) Tấn chưa thể khinh thường được.
      4. Một âm là du. (Động) An hưởng, cầu sống cho yên thân, sống tạm bợ. ◇Khuất Nguyên 屈原:Ninh chánh ngôn bất húy dĩ nguy thân hồ, Tương tòng tục phú quý dĩ du sanh hồ 寧正言不諱以危身乎, 將從俗富貴以媮生乎 (Sở từ 楚辭, Bốc cư 卜居) Có nên nói thẳng không tránh né để bị nguy mình không? (Hay là) theo thói giàu sang để cầu sống qua ngày cho yên thân?
      偷 thâu ( bộ nhân 亻)
      1. (Động) Trộm cắp. ◇Lí Thương Ẩn 李商隱: Thường Nga ưng hối thâu linh dược 嫦娥應悔偷靈藥 (Thường Nga 嫦娥) Thường Nga chắc hẳn hối hận đã ăn trộm thuốc thiêng.
      2. (Động) Rút tỉa, lợi dụng hoàn cảnh lấy ra được một phần (nói về thời gian). ◎Như: thâu không偷空 lấy cho được thì giờ (hiếm hoi), thâu nhàn 偷閒 lấy được chút rảnh rang (trong lúc bận rộn).
      3. (Phó) Lén, lẻn, vụng trộm. ◎Như: thâu khán 偷看 dòm trộm, thâu thính 偷聽 nghe lén, thâu tập 偷襲 đánh úp.
      4. (Tính) Cẩu thả, tạm bợ. ◎Như: thâu an 偷安 yên ổn qua ngày.
      5. (Tính) Bạc bẽo. ◇Luận Ngữ 論語: Cố cựu bất di, tắc dân bất thâu 故舊不遺, 則民不偷 (Thái Bá 泰伯) Nếu không bỏ người cũ, thì dân không bạc bẽo.

      Xóa
  8. Lại một entry nữa không thể chỉ theo kiểu "gà cồ ăn quẩn cối xay" với dăm ba độc giả là bè bạn với nhau mà phải chia sẻ cho mọi người cùng đọc Bác Bu à! Đây là entry thứ 2 HN đề nghị bác đăng báo nhé. Bác chê nhuận bút thì giữ dùm mai mốt offline mình uống với nhau đi! Nhưng để "nặng ký" hơn, bác tìm thêm chừng 2-3 bài nữa, chắc sẽ không khó và không mất nhiều thời gian. Bác Bu nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất cảm ơn sự quan tâm chân thành của bác Hồng Ngọc.
      Một ông bạn đi bộ buổi sáng ở Vũng Tàu đã in ra 5 bài sau đây kèm với một bức thư giới thiệu lâm li thống thiết gửi đến tạp chí Vặn học nghệ thuật Vũng Tàu. Bu không phản đối song không mấy hào hứng vì rất sợ tạp chí mời đến cảm ơn rồi bảo: anh sữa lại ý này anh, chữa lại câu kia cho đúng lập trường quan diểm huhuhu.
      Có dịp về VT mời anh đến tệ xá tui bú khú, tán gẫu chuyện đời nhé.


      - Màu đỏ quả dâu
      - Người chưa biết tên
      - Về một bản dịch bài thơ hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu
      - Ca dao Việt Nam hay dịch của Tàu
      - Tản mạn với bá Lê Nguyễn Lưu

      Xóa
  9. Xưa nay đã có rất nhiều người có tiếng "dịch", chuyển nghĩa những bài thơ Đướng nổi tiếng sang Việt văn, hoặc sang những thể thơ Việt, bài Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế không phải ngoại lệ, chẳng hạn một bản khác của Trần Trọng San: "Trăng tà, tiếng quạ lẩn sương rơi/ Sầu đượm hàng phong, giấc lửa chài/ Ngoài ải Cô Tô chùa vắng vẻ/ Nửa đêm chuông vẳng đến thuyền ai".

    Khi chuyển bài thơ sang tiếng Việt, mỗi người một ý, mỗi người một vẻ, có lẽ tùy theo "thần thơ" của tác giả, và cái cảm nhận của từng người đọc, ở đây cũng chỉ xin vào góp vui.

    Tôi cũng đồng ý là không thể (chứ không phải không nên), dịch nghĩa chữ Hàn San là "núi lạnh", Hàn San tự (chùa Hàn San), Hàn San là tên của một ngôi chùa, là Đại danh từ chứ không phải là "núi lạnh", chữ Hàn San chuyển sang tiếng Việt phải viết hoa vì là tên riêng, trong khi chữ núi lạnh phải viết thường. Có thể vì chùa ở trên một ngọn núi quanh năm lạnh lẽo nên mới có tên Hàn San, nhưng một khi đã có tên Hàn San, thì cái từ núi lạnh trở thành vô nghĩa.

    Dịch nghĩa một bài thơ của nước người sang tiếng nước mình, có khi đã khó, vì cấu trúc câu, ý tứ theo "tính dân tộc" của họ nhiều khi khác mình..., mà chuyển thơ của nước người sang thơ nước mình còn khó gấp bội, bởi còn phải theo cách gieo vần của từng thể thơ nước mình mà lựa chữ, nghĩa cho phù hợp với chữ nghĩa, ý tứ của thơ người, cho nên giỏi về thơ, chữ... như Tản Đà, hay Trần Trọng Kim... cũng không thể nào chuyển tả hết được ý tứ thơ của người sang thơ tiếng Việt. Có nhiều khi họ buộc phải "phóng tác" hơn là dịch sát nghĩa, vì sát nghĩa thì không tìm ra được câu chữ phù hợp với vần.

    Vài thiển ý góp vui với bác Bu và các bạn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. PNH à

      Trong bản in ông Lưu viết hoa hai chữ NÚI LẠNH mới ghê.
      Bên Tàu có rất nhiều núi lạnh, trên các núi đó lại gồm nhiều chùa có tên riêng hẳn hoi. Nói như ông Lưu thì loạt chàu này đều là chùa Núi Lạnh cả sao

      Xóa
  10. Riêng về bài "Trì thượng" (Trên ao) của Bạch Cư Dị, những sách về thơ Đường tôi có xưa nay đều viết chữ "Thâu" là "trộm", chữ "Thâu" bộ Nhân như bác Bu viết bên trên, còn bác Vũ Nho viết các cụ nói còn đọc là Du. Thật ra chữ Thâu (trộm cắp) và chữ Du tự dạng na ná giống nhau, nhưng lại khác nhau, chữ Thâu thuộc bộ Nhân, còn chữ Du (vui vẻ)thuộc bộ Thủ (bộ Nhân và bộ Thủ viết gần giống nhau), tuy nhiên chữ Du cũng có một âm nữa là Thâu (Từ điển Hán - Việt của Thiều Chửu), nhưng mặt chữ như đã nói thì khác.

    Trong bài thơ trên chỉ cần sai một chữ "Thâu" (trộm), mà cụ Đản Đà chuyển sang tiếng Việt khá tài tình là "thó", để chỉ sự nghịch ngợm của một cô gái nhỏ, bơi chiếc thuyền con đi hái trộm hoa sen, thành chữ Thâu là thu hoạch, thâu gom, thì cả một bài thơ đã chuyển sang một ý nghĩa khác hẳn, không còn hay như nghĩa (trộm) ban đầu. Thơ Đường là thể loại thơ nổi tiếng bao nhiêu thế kỷ nay, với Việt Nam đã có biết bao nhiêu người dịch, bao nhiêu quyển sách bàn về thơ Đường, mà tác giả bác Bu đã trích dẫn còn sai những cái sơ đẳng quá.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn PNH à

      1- Từ điển Thiều Chữu dẫn ra 34 chữ du, thực ra nó có trên 40 chữ.
      Gốc gác của chữ vừa du vừa thâu có tự dạng 俞 đọc là du hoặc dũ, bộ nhân ( 亻 ) .
      2- Từ chữ du này thêm vào bộ tâm 忄 ta có 愉 (du, thâu)
      Từ chữ du này thêm vào bộ nữ 女 ta có 媮 (thâu, du)
      Từ chữ du này thêm vào bộ nhân 亻ta có chữ thâu 偷 với nghĩa ăn trộm.
      Nghĩa chữ 愉 và chữ 媮 bu đã nói kỹ khi trả lời bác Vũ Nho mời bạn PNH tham khảo
      3- Chữ thủ và chữ tâm thoáng nhìn giống nhau, nhưng nhìn kỹ thì khác nhau lắm
      Thủ 扌 dạng khác 手
      Tâm 心 hoặc 忄

      Xóa
    2. Ở đây tôi chủ yếu "xoáy" vào điều bác Vũ Nho đã bàn là các cụ nói chữ Thâu (trộm), còn có âm là Du (từ điển Hán Việt của Thiều Chửu nói chữ Du này có âm khác là Thâu). Giữa chữ Thâu (trộm) bộ nhân 亻 , và chữ Du (còn đọc là Thâu) bộ Thủ 扌 (không phải bộ Tâm 心 hoặc 忄), viết gần giống nhau (chữ Du bộ Thủ gồm bộ Thủ 扌 bên trái và chữ 俞 bên phải. khác xa chữ Thâu,Du bộ nữ 女 ta có 媮 ). Viết ra những chữ tự dạng khác nữa chỉ làm "rối" thêm.

      Tôi vẫn nghĩ chữ Du (bộ Thủ) mà bác Vũ Nho kể, còn có âm khác là Thâu tự dạng gần giống với chữ Thâu (trộm) (bộ Nhân), các cụ mà bác Vũ Nho nhắc tới có lẽ nói chữ Du này.

      Xóa
    3. Ý, nhưng tôi so sánh giữa chữ Du (thâu), bộ Thủ với chữ Thâu bộ Nhân, bác Bu lại nói đến chữ Du (thâu) bộ Tâm, có gì "không đồng bộ" ở đây? :-))

      Xóa
    4. Bạn PNH thông cảm cho cái tội ông nói gà bà nói qué nhé
      Riêng cái chữ du bộ thủ hoàn toàn không đọc thâu, bu đã trả lời bác vũ Nho rồi, dưới đâu là nghĩa chữ du bộ thủ

      揄 chữ du bộ thủ

      ________________________________________
      1. (Động) Dẫn dắt, kéo, vén. ◇Liêu trai chí dị 聊齋志異: Nữ nãi liễm tu dong, du trường tụ, tựu tháp chẩn thị 女乃斂羞容, 揄長袖, 就榻診視 (Kiều Na 嬌娜) Cô gái có vẻ e thẹn, vén tay áo dài, đến bên giường xem bệnh.
      2. (Động) Vung, huy động. ◇Hàn Phi Tử 韓非子: Du đao nhi nhị mĩ nhân 揄刀而劓美人 (Nội trữ thuyết hạ 內儲說下) Vung dao cắt mũi người đẹp.
      3. (Động) Đề xuất, đưa ra. ◇Hoài Nam Tử 淮南子: Du sách ư miếu đường chi thượng 揄策於廟堂之上 (Chủ thuật 主術) Đưa ra kế sách lên miếu đường.
      4. (Động) Du dương 揄揚 khen ngợi.
      5. (Động) Da du 揶揄 trêu ghẹo, chế diễu.

      Xóa
  11. Về tên gọi Hàn San tự - Chùa Hàn San (hay Hàn Sơn), theo sách Tác giả, tác phẩm Văn học phương đông Trung Quốc của của Trần Xuân Đề, NXB Giáo Dục xuất bản năm 2007, là tên một ngôi chùa ở Ngô huyện phía Tây đất Phong Kiều. Tương truyền nhà sư Hàn Sơn đời Đường trụ trì ở chùa này cho nên gọi là chùa Hàn Sơn.

    Hàn San (Hàn Sơn) là tên của một người, chuyển thành tên của ngôi chùa. Như vậy thì chữ Hàn San (Hàn Sơn), lại càng không thể dịch là "núi lạnh".

    Trả lờiXóa
    Trả lời


    1. Việc đặt tên chùa Hàn Sơn liên quan đến chuyện kể về hai người bạn kết nghĩa anh em có tên là Hàn Sơn và Thập Đắc. Chuyện kể rằng, ngày xưa ở miền quê nọ, có 2 chàng trai tên là Hàn Sơn và Thập Đắc, họ thân thiết và sống với nhau trong tình nghĩa anh em. Khi gia đình đi hỏi vợ cho mình, Hàn Sơn mới biết rằng cô dâu tương lai ấy chính là người yêu của Thập Đắc. Vì sợ buồn lòng em vì vậy, chàng đã lặng lẽ bỏ nhà ra đi và dừng chân ở một ngôi chùa nhỏ. Về phần Thập Đắc, nghĩ rằng vì mình mà Hàn Sơn ra đi nên cũng quyết đi tìm anh. Cuối cùng, như duyên trời định, họ lại gặp nhau tại chính ngôi chùa nơi Hàn Sơn ẩn mình. Họ lại sống cùng nhau như huynh - đệ ngày nào. Cảm động vì câu chuyện trên vì vậy, tên gọi Hàn Sơn đã được đặt cho ngôi chùa để tưởng nhớ.

      Hehehe bu tui đã đến chùa này từ năm 2007, nghĩ đêm gần đó nữa, mà tuyệt nhiên không thấy núi non gì và cũng không thấy lạnh

      Xóa
  12. Cám ơn bác Bu đã giải thích cặn kẽ về chữ DU và THÂU.
    Cám ơn những lời bàn của bác Phạm Ngọc Hiệp.
    Tôi được mở to con mắt hạt đậu của mình!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Vũ Nho khiêm tốn thế chớ vụ "vẽ rắn thêm chân của bác" làm bu tui sáng sủa đầu óc ra nhiều, cảm ơn bác lắm

      Xóa
  13. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  14. Từ 2 chữ Thâu (hái) và Thâu (trộm) mà ba bác Bu, VN và PNH cho Nô một bữa tiệc chữ nghĩa thịnh soạn khoái khẩu! Thiệt là hảo hảo! :D

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thừa giấy làm chi chả vẽ voi mà dung Nobita... hehehe

      Xóa
  15. Trở lại chuyện Phong Kiều Dạ Bạc, trong quyển Thơ Đường Trong Nhà Trường của tác giả Trần Ngọc Hưởng. NXB Đồng Nai xuất bản năm 2004, có nói (khoảng năm) 1993 trên Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay có bài của một học giả Nhật Bản công bố: "Ô đề" không phải là tiếng quạ kêu, mà là địa danh Ô Đề (tên làng), "Sầu miên" cũng vậy, không phải là giấc hồ, mà là tên một ngọn núi Sầu Miên, và có một nhà thơ Trần Yên Thảo nào đấy đăng trên báo Văn Nghệ (1998) đã dịch: "Mù sương trăng khuất Ô Đề/ Rặng phong chài lửa ngóng về Sầu Miên". Tuy nhiên theo cách hiểu như thế thì làm hỏng cả bài thơ, và sau đó cũng có người cất công đến chùa Hàn San tìm hiểu, thì chính cư dân địa phương ở đấy cũng ngớ người không rõ làng Ô Đề và núi Sầu Miên ở đâu.
    Thì ra chuyện làng Ô Đề và núi Sầu Miên chỉ là chuyện giựt gân của ông Nhật.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bu tui có đọc bài viết của ông người Nhật về vụ này như PNH nói.
      Hiện bu đang có quyển THIÊN GIA THI ĐỒ CHÚ, THƯỢNG HẢI VĂN HOA THƯ ĐỒ CỤc ẤN HÀNH, trong quyển này có bài Phong Kiều dạ bạc với chú thích: Giang phong thị danh, Sầu miên sơn danh. tức là Giang phong tên chợ, Sầu miên tên núi...Chứng tỏ người viết chú thích chưa từng đến Hàn Sơn Tự mà ngồi ở Thượng Hải viết tào lao.
      Bu tui đã đến thăm chùa Hàn Sơn năm 2007 và nghỉ lại đêm gần đó, không có chợ nào là Giang phong, không có bất cứ gò đồi gì chưa nói núi. Đây là vùng đồng bằng nhiều dòng chảy nhỏ....

      Xóa
    2. Cái ông người Nhật chắc là tham khảo sách này rồi

      Xóa
  16. Ồ ồ, lại một nghiên cứu công phu nữa của bác Bu đã thu hút nhiều nhân vật gạo cội, kiến thức uyên thâm đến đóng góp xây dựng. Quả là tuyệt vời. Phusa chỉ đọc bài của bác và bình luận của mọi người và thầm cảm phục rồi,
    Chúc bác vui với bạn bè hết lòng
    Mà ảnh bác chụp đẹp lắm, năm 2007 bác vẫn còn 'thanh mảnh' quá nhỉ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có Phu Sa ghé đọc là vui rồi
      Đã về VN chưa?

      Xóa
    2. Chưa bác ạ, còn làm " nhiệm vụ vinh quang" bác ạ

      Xóa
  17. Lâu lắm mới mở Blog. Hôm nay mở ra thấy bác Bu và các bậc trưởng lão luận bàn về hai bải thơ: “Phong Kiều dạ bạc” và “Trì thượng” thật sôi nổi. Vậy NANO tôi cũng xin góp vài ý:
    1.
    - Bài thơ “Phong Kiều dạ bạc” là bài thơ nổi tiếng không chỉ ở Trung Quốc mà còn cả ở Việt Nam nhờ các cụ uyên thâm hán học xưa đã dịch và hay ngâm nga mỗi khi ngồi đàm đạo. Nổi tiếng đến mức ngay trong ca từ hầu bóng cũng có câu hát “nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San”. Vậy mà nay ông Lê Nguyễn Lưu đem tên riêng “Hàn San” trong câu thơ dịch thành “núi Lạnh” thì kỳ quái thật. Bác Bu đã phân tích và phê phán rất đúng, vì ngôn ngữ nước ta phần nhiều là từ Hán Việt, nhưng không ai dịch vậy bao giờ. Tại sao chùa lại có tên là Hàn San, thì có một lần NN đã đọc được điều bác Hiệp đã dẫn ra.
    - Ông Lưu còn dịch chữ thành (城) là “ngõ” thì chịu, không thể hiểu nổi. Thành Cô Tô liên quan đến một giai đoạn lịch sử, đến các nhân vật lịch sử nổi tiếng của thời Xuân Thu chiến quốc, vậy mà nay được ông Lưu cho biến thành “ngõ” như là sự bóp méo lịch sử. Nay mai có bài thơ nào đó nói về “Thành Hoàng Diệu”, “Thành Nhà Hồ”, “Thành cổ Quảng Trị”,… mà ai đó dịch ra tiếng nước ngoài (để giao lưu, truyền bá văn hóa VN) mà dịch chữ thành ra ngõ (ngõ Hoàng Diệu, nhõ Nhà Hồ,…) thì thật bôi bác.
    Tuy nhiên trong bài dịch của ông Lưu, NANO rất đồng tình và cảm nhận với chữ “vọng” (nửa đêm chuông vọng tới thuyền ai) sẽ nói sau.

    - Đến nay bản dịch “Phong Kiều dạ bạc” của Tản Đà có phải là bản dịch hay nhất hay không thì NANO không biết vì không có điều kiện đọc các bản dịch của nhiều tác giả khác.
    Ở đây NANO chỉ nêu cảm nhận của mình về câu thơ cuối “Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”:
    Bài thơ diễn đạt một không gian cô tịch với trăng lặn, tiếng quạ kêu, sương phủ đầy trời làm cho tâm trạng người khách trên thuyền đã buồn lại cô đơn trống trải hơn. Tâm trạng ấy càng ớn lạnh đến rùng mình khi tiếng chuông từ chùa Hàn San vọng đến. Vậy lúc này là thời gian nào. Theo NANO thì đã quá nửa đêm. NANO nghĩ về mặt ngữ pháp thì “bán dạ” mới là nửa đêm, còn “dạ bán” thì đã qua thời khắc nửa đêm về sáng, nên trăng bắt đầu lặn, quạ vội bay về tổ cất tiếng kêu nghe rùng rợn, và sương bắt đầu dày đặc, phủ kín bầu trời. Trong một khung cảnh như vậy, thì thì tiếng chuông từ chùa vọng tới làm cho khách càng buồn càng cô đơn hơn. Thông thường đúng mười hai giờ thì tiếng chuông đầu tiên của nhà chùa được đánh lên, báo hiệu thời điểm “thu không”, vậy là khi tiếng chuông ấy vọng đến tai người khách trên thuyền đã quá mười hai giờ. Ở đây người khách nghe tiếng chuông là bị động (không muốn nghe cũng phải nghe, vì tiếng chuông cứ dội đến, nên càng buồn và chạnh lòng hơn. NANO diễn giải như vậy để nói thời khắc trong bài thơ là quá nửa đêm, và trong câu thơ cuối ông Lưu dịch là “vọng” có vẻ chính xác hơn chữ “nghe” của ông Tảm Đà.
    2. Về bài “Trì thượng” sẽ diễn giải sau (vì Bác sĩ đang cấm sử dụng vi tính)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1-Bu tui vô cùng vui mừng thấy bác Nano BoBi bị/được bác sĩ cấm sử dụng vi tính mà vẫn "liều mình như chẳng có" viết một nhận xét vừa đầy đủ vừa sâu sắc.
      Những ý kiến của bác, bu tui ngâm cứu dần dần chớ không thể một lúc mà tiếp thu hết được. Tuy nhiên bu xin có đôi điều thưa lại:
      2-Về khoản chữ vuông bu tui tự học lấy, được chữ nọ mất chữ kia, kiến thức
      lõm bõm không đâu vào đâu, những gì bu nói ra trật trệu xin được chỉ giáo.
      - Hôm nọ bác bảo Ngũ tiêm tinh là năm ngôi sso nhọn (Ngũ=năm, tiêm=nhọn, tinh= sao) Hóa ra ông cụ ấy mơ thấy cờ Trung quốc!!! Chắc không đến nỗi thế...Thực ra ngũ tiêm phải hiểu là năm điểm nhọn. Ngũ tiêm tinh là sao năm điểm nhọn mà Nam Trân dịch là sao vàng năm cánh (vàng là người dịch thêm vào )
      - Để cho ngắn gọn và thêm phần chính xác, bu tui dẫn từ bán dạ theo từ điển Hán Việt Đào Duy Anh
      * Bán dạ: Nửa đêm (mục bán, trang 34)
      * Dạ bán: Nửa đêm (mục dạ trang 192)
      Đấy là cụ Đào nói theo cách hiểu của người Việt, chớ dịch theo ngữ Pháp Tàu phải là:
      * Bán dạ: Đêm một nửa (nhấn mạnh vào chữ dạ trước, chữ bán sau)
      * Dạ bán: Nửa đêm (nhấn mạnh vào chứ bán trước, chữ dạ sau)

      Cũng ở trang 192 cụ Đào còn dẫn ra:
      * Dạ cấm: cấm đi đêm
      * Dạ đàm: nói chuyện ban đêm
      * Dạ đề: Khóc ban đêm
      Rõ ràng là: cấm, đàm, đề, được đặt lên trước
      3- Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn Tự
      Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
      Cụ Tản Đà dịch xuôi rất sát ý nguyên tác:

      Từ ngoài thành Cô Tô
      Nửa đêm có tiếng chuông vọng đến thuyền khách

      Như vậy ông Tản Đà, cũng dùng chữ vọng khi dịch xuôi. Tới khi dịch thơ ông chỉ nói: Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn. Thì phải có tiếng chuông vọng đến khách mới nghe được chứ sao. Vọng trong câu thơ dịch của Tản Đà ta hiểu ngầm chớ không nhất thiết phải nói ra.
      4- Nhân thể nói thêm: Chùa Phật không có thỉnh chuông lúc nửa đêm. Bu tui đã ngâm cứu kinh Nhật tụng của Đại thừa ( Thích Minh Thới biên soạn, tái bản lần thứ 6) Kinh Nhựt tụng của Phật giáo Nguyên thủy chùa Bồ Đề Vũng Tàu, thấy các nghi lễ công phu hoàn toàn không thỉnh chuông lúc nửa đêm. Từ sau khi có bài thơ Phong Kiều dạ bác của Trương Kế, các nhà bình luận cũng đau đầu về tiếng chuông "bán dạ" này, và họ sáng tác ra câu chuyện giữa thầy Thập Đắc với chú tiểu để hợp lý hóa tiếng chuông của Trương Kế. Có dịp bu tui chép lại câu chuyện này.
      5- Chờ bác chỉ giáo về bài Trì thượng, mong lắm thay... hihihi



      Xóa
  18. Thực ra nếu nói về bài thơ tứ tuyệt Phong Kiều Dạ Bạc, thì bản dịch của Tản Đà chỉ "hay" có hai câu đầu, chuyển tải được sát nghĩa từ thơ Đường sang thể thơ Lục bát, còn hai câu sau không hay được bằng nguyên bản, bác Nano chỉ nhắc đến "dạ bán" và "vọng". Dịch nghĩa của hai câu sau:

    Tiếng chuông chùa nửa đêm của chùa Hàn Sơn ở ngoại thành Cô Tô
    Nửa đêm vẳng vọng đến thuyền khách.

    Cái ý chính (chủ thể) trong hai câu sau là tiếng chuông chùa, ngân nga vang vọng lan tỏa trong đêm thanh vắng, đến thuyền của lữ khách (lữ khách là ý phụ).

    Trong thơ dịch của cụ Tản Đà:

    Thuyền ai đậu bến Cô Tô
    Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn

    Thì "Thuyền ai" (ý chỉ lữ khách) trở thành ý chính, còn tiếng chuông chùa Hàn Sơn trở thành ý phụ. Điều này làm hai câu sau bớt hay.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự
      Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

      Tức là điểm quan sát của Trương Kế tập trung trước tiên vào phía ngoài thành Cô Tô. Đến nửa đêm mới có tiếng chuông vọng đến thuyền khách. Rõ ràng vị khách nào đó nghe tiếng chuông sau khi nhà thơ đã quan sát chùa Hàn Sơn
      Tản Đà đã đảo ý, đặt tâm trạng con người lên trước cảnh vật....
      Dịch là phản, thành ngữ đó đó đúng mọi lúc mọi nơi, không ngoại trừ thiên tài Tản Đà.

      Xóa
  19. 2. Về bài “Trì thượng”

    - Trước khi nói về bài “Trì Thượng”. NANO muốn trở lại một chút về câu cuối của bài “Phong Kiều dạ bạc”: Sở dĩ NANO cho rằng dùng chữ vọng sẽ chính xác hơn, hay hơn dùng chữ “nghe” vì hai lý do: Một là trong bản gốc có chữ đáo (到- đến nơi). Nghĩa là tiếng chuông vang vọng đến tai người khách trên thuyền; Hai là tả như vậy mới phù hợp với khung cảnh chung của bài thơ và nhấn mạnh hơn tâm trạng của người khách. Đây là cái hay cái giỏi của Trương Kế. Câu dịch của Tản Đà đã làm mất thần thái trong câu của bản gốc. NANO rất nhất trí với nhận xét của bác Hiệp.

    - Đọc xong bài “Trì Thượng”, NANO tưởng tượng ra một tình huống như sau: Một chiều nào đó ngài Bạch Cư Dị, tay cầm be rượu (giống như Lý Bạch), tình cờ ngất ngưỡng đi qua ao/đầm sen và trông thấy một “tiểu oa” đang hái bông sen trắng. Vệt nước theo sau chiếc thuyền nhỏ do các cây bèo bị xô dạt sang hai bên khi thuyền đi qua đã làm cho ngài BCD nảy ra ý ngộ nghĩnh là “Tiểu Oa” hái trộm sen trắng mà không biết che dấu vết và bài thơ “Trì Thượng” rất hay ra đời, trải qua hàng ngàn năm như là “án tại hồ sơ”. Từ tình huống tưởng tượng này, NANO rất tán thành nhận xét của bác Bu là bằng chứng chèo thuyền ra hái sen chỉ là trò nghịch ngợm của Tiểu Oa, chứ không phải là đi hái trộm sen. Nhưng cô gái nhỏ này ở đâu ra ? Theo NANO thì cô gái này chỉ có thể là con cháu của gia đình có cái ao/đầm sen này, mà bác Bu bảo là được bố mẹ sai ra hái sen. Hồi nhỏ, còn đi học ở quê, mùa hè mỗi lần qua đầm sen, NANO và bạn bè đã từng hái trộm sen, nhưng chỉ dám lội xuống ngắt bông sen mọc sát bờ. Nghịch ngợm như học trò, nhưng không đứa nào biết và dám cả gan lấy thuyền bơi ra giữa hồ cả. Vậy mà cô gái nhỏ của BCD lấy thuyền bơi ra được, chứng tỏ cô này rất có kỹ năng. Thuyền đi hái sen thường không bao giờ có mái chèo, mà chỉ dùng sào để cho người đứng cuối thuyền chống thuyền đi tới. Dùng mái chèo sẽ vướng và phá gãy các cọng sen, làm rách lá sen hai bên thuyền. Hihi. Điểm qua tình huống như vậy để góp phần cùng bác Bu bào chữa, giải oan cho cô gái nhỏ nghịch ngợm (hoặc chăm chỉ) này

    - Bài thơ của Bạch Cư Dị là thơ năm chữ, rất phù hợp với tình huống hái trộm. Vì hái trộm cần phải nhanh, người phát hiện cũng phải nhanh, và nếu cần đuổi trộm cũng phải nhanh. Thơ năm chữ trong trường hợp này đáp ứng được tình huống quan sát của tác giả. Ông Lưu khi dịch đã dùng khổ thơ năm chữ, NANO cho là phù hợp. Dùng khổ thơ năm chữ để dịch là khó vì phải vừa sát nghĩa vừa cô đọng, Tuy vậy, bản dịch của ông Lưu có mấy chỗ cần luận bàn thêm:
    + Câu đầu dừng hai từ “Gái nhỏ” nghe có vẻ không thuận lắm. Theo NN nên dùng hai từ “cô bé” hoặc “bé gái” dễ nghe hơn: “Cô bé bơi thuyền nhỏ” hoặc “bé gái bơi thuyền nhỏ”
    + Chữ thâu (偷) mà ông Lưu viết là (收), bác Bu đã phê phán rồi, NANO không nhắc lại nữa. Nhưng ông Lưu dịch là “hái” cũng có thể chấp nhận được làm cho tình huống trở ên nhẹ nhàng, đỡ căng thẳng (dù không chính xác với nguyên bản)

    Trả lờiXóa
  20. Về bài Trì Thượng (tiếp)

    - Bản dịch của tiên sinh Tản Đả, nghe không sướng lắm. Theo NANO thì bản dịch này không đạt ở nhiểu khía cạnh:
    + Không hiểu tại sao khi dịch thơ thì tiên sinh Tản Đà lại chuyển sang thể lục bát. Có thể như vậy dễ dịch hơn, bản sắc hơn. Ngữ điệu lục bát mềm mại uyển chuyển, chậm rãi, đôi khi có vẻ nhàn tản (Trúc sinh trúc đứng đầu đình/Em sinh em đứng một mình cũng sinh) nhưng trong trường hợp cụ thể “trộm sen” này không nên làm nhịp điệu câu thơ chậm lại, ung dung, nhàn tản bằng thể lục bát, vừa không phù hợp với nguyên bản vừa không thể hiện được tình huống.
    + Câu đầu “Người xinh bơi chiếc thúng xinh”. Nếu như không biết đến bài thơ của BCD thì thấy hai từ “người xinh” rất là mập mờ, trừu tượng: Trai xinh hay gái xinh, vị thành niên hay thanh niên. Bản gốc là “Tiểu Oa” – cô gái nhỏ mà TĐ dịch thành “người xinh” là không đạt. Tính cách trẻ con khác tính cách người lớn, và hành vi “thó” sen của trẻ con và người lớn mang ý nghĩa khác nhau, nên dịch người xinh là không đạt.
    “thúng xinh” ? Tại sao lại là thúng ? Tại sao thúng phải xinh ? Theo NANO không thể dịch thơ theo kiểu cường điệu quá mức này, làm cho tinh thần bài thơ có vẻ lãng mạn, nhưng lại thiếu thực tế:
    Không ai dùng thúng trong khi đi hái sen cả, mà phải dùng thuyền: thuyền gỗ, thuyền nan hoặc thuyền được gò bằng tôn. Dùng thuyền thì mới có độ lướt khi dùng sào chống, và ít làm hư hại đến sen. Chỉ những ngư dân đi biển mới dùng thúng. Do hình dạng của thúng là tròn, có thể quay tròn mà vẫn ổn định nên gối sóng tốt và ít khi bị lật. muốn di chuyển thúng thì hoặc là lắc thúng hoặc là dùng mái chèo ngắn để chèo. Chèo, lắc thúng cần kỹ năng và là một nghệ thuật trong điều kiện sóng gió. Vậy mà TĐ lại đưa thúng vào ao để hái sen. Mà lại còn phải thúng xinh nữa. Thuyền là phương tiện hành nghề, suốt ngày ngâm dưới nước, miễn là an toàn, làm gì cần thuyền xinh. Ngay cái thuyền nan chở cô tiểu thư đang ngắm trời mây non nước của bác Bu (ảnh 1) có xinh đẹp gì đâu, chỉ có cô tiểu thư là xinh đẹp thôi. Nói nhỏ một chút: giả sử nhả mình có một ao sen mà cô tiểu thư của bác Bu đến hái trộm chắc mình sẽ dấu vợ tặng thêm cho cô ta thêm vài bông nữa chứ không nghiêm khắc như bác Bu đâu, hề hề
    + Câu hai: Đã trắng nõn lại còn trắng tinh thì chắc là lúc này tiên sinh TĐ đang uống rượu.
    + Câu ba: Hai từ hớ hênh nghe hơi thô, có vẻ như là bị “lộ hàng” hihi.

    TB: Định viết nữa, nhưng đề nhất phu nhân bảo: “mắt như thế mà chưa chừa à” nên thôi. Trước khi dừng tay, NANO mạnh dạn dịch thử bài Trì Thượng để các bậc cao nhân “ném đá”
    “Cô bé bơi thuyền nhỏ
    Trộm sen trắng mang theo,
    Vô tình lộ dấu vết
    Mở lối giữa ao bèo”

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bu tui nhất trí về những ý kiến của bác NanoBoBi
      Bản dịch của bác khá hơn nhiều so với bản dịch của ông Lưu và ý tứ sát bản gốc của cụ Tản Đà
      Cảm ơn về những nhận xét của bác

      Xóa
    2. Bác Nano dịch hay quá.
      Em cũng theo bác thử chút coi.

      Cô bé bơi thuyền nhỏ
      Hái trộm sen mang về,
      Chẳng biết che dấu vết
      Ao bèo một vệt đi.

      Xóa
  21. Bản dịch bài "phong kiều..." trong entry Bác Bu dẫn, ruchung tôi gặp nhiều cụm từ " chiếc quạ" thay vì "tiếng quạ" (Trăng tà, chiếc quạ kêu sương,)bác ạ.Hơn thế nữa, nhiều người cho rằng bản dịch Bác đang dùng là do, NGUYỄN HÀM NINH dich
    chứ không phải của TẢN ĐÀ?!. Bác hiệu đính các thông tin trên được không?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bu tui đã viết một bài dài chứng minh rằng bản dịch trên là của Nguyễn Hàm Ninh. Blog Multiply dẹp tiệm bài đó mất theo rồi, hình như bu có đưa in ở báo Qurng Bình...
      Còm cuối của bạn vẫn bình thường mà

      Xóa
  22. Ối! Không hiểu sao comment trên của ruchung tôi lại bị chấm phẩy và tụt hàng linh tinh thế chứ nhỉ?

    Trả lờiXóa
  23. Kính các bác!
    Tôi thấy bác Chung Ru nghi ngờ bản dịch của Tản Đà, liền đi tra. Cuốn Tản Đà vận văn toàn tập, tập 2, nhà xuất bản Hương Sơn, 1952 có mục Tản Đà - thơ dịch. Tôi kiểm 2 lần, không thấy có bản dịch " Phong Kiều dạ bạc". Có thể người làm sách đã bỏ sót? Có thể Tản Đà không dịch?
    Thật thú vị khi nghe bác NaNo BoBi giảng giải. Tôi đồng ý với bác là Cô Tô thành ngoại mà người dịch lại dịch ra : Ngoài ngõ Cô Tô thì thật là kinh dị. Lần trước không bình luận chữ này vì bác Bu chép sót. Song tôi cũng không tán thành bác khi cho rằng dịch :"vọng" hay hơn "nghe". Tất nhiên, vọng là tiếng chuông từ xa vẳng đến, còn nghe thì không rõ sắc thái này. Song chúng ta hãy xem lại nguyên bản: Dạ bán chung thanh ĐÁO khách thuyền. Tiếng chuông ĐẾN thuyền khách. Nó đến bằng cách nào? Vọng đến, thoảng nghe, bay tới? Không xác định được. Người Trung quốc cho chữ ĐÁO này là nhãn tự. Vì sao? Bởi vì chắc là trong khung cảnh yên tĩnh, vắng vẻ, khách chưa ngủ trên thuyền thì tiếng chuông ĐẾN thăm. Tiếng chuông như một người bạn ĐẾN thuyền. Chữ ĐÁO biến tiếng chuông thành một người bạn âm thanh. Vì vậy dịch là NGHE hay VỌNG thì đều làm biến mất ý nghĩa nhân hóa của tiếng chuông rồi. Nếu xét tận cùng thì chữ VỌNG vẫn khá hơn chữ NGHE chút xíu, nhưng cả hai đều sai lạc với nguyên tác. Vậy ta có nên khen hay không, hoặc nên nói rằng việc dịch ở chỗ này bất lực hoặc gần với "diệt"?
    Xin các bác bàn bạc thêm!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bu tui đã viết một bài dài chứng minh rằng bản dịch trên là của Nguyễn Hàm Ninh. Blog Multiply dẹp tiệm nên bài đó mất theo rồi, hình như bu có đưa in ở báo Quảng Bình...

      Xóa
    2. Hoàn toàn nhất trí với bác Vũ Nho
      Vọng và Nghe đều không đạt.
      Tiếng chuông như một người bạn đến (đáo) thì phải gặp thay vì vọng hoặc nghe. Tài như Tàn Đà mà chỗ này bất lực.
      Dịch là phản
      Dich là diệt
      Các cụ nói cấm sai



      Xóa
    3. Bác Vũ Nho à
      Mời bác đọc đoạn bu tui nói bản dịch Phong Kiều dạ bạc mà ta cho là của Tản Đà thực ra là của Nguyễn Hàm Ninh.

      Các học giả Việt Nam như Ngô Tất Tố, Trần Trọng Kim, Bùi Khánh Đản, Trần Trọng San ....đã từng dịch nhưng chưa có bản dịch nào hay bằng bản in ở trang 1311 mục “Thơ Đường đỉnh cao của văn minh nhân loại” trong sách ALMANACH (NXBVHTT 1995) mà nhóm làm sách cho là nhà thơ Tản Đà dịch.

      Trăng tà chiếc quạ kêu sương
      Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ
      Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
      Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
      Không rõ các tác giả sách ALMANACH căn cứ vào đâu mà khẳng định như thế, vì từ năm 1962, khi ấn hành “Thơ Đường tập I”, Nhà xuất bản Văn hóa - Viện Văn học đã ghi dưới bản dịch trên là “khuyết danh”. Làm như vậy là thận trọng vì thời đó người ta không có bằng chứng nào để nói bản dịch trên là của Tản Đà. Chúng ta đều biết toàn bộ văn dịch của Tản Đà có trong bộ Tản Đà vận văn gồm ba quyển, do Tản Đà Thư cục xuất bản lần thứ nhất vào năm 1939, lần thứ hai vào năm 1940, lần thứ ba vào năm 1941. Sau này Nhà xuất bản Hương Sơn tái bản lần thứ nhất vào năm 1945, tái bản lần hai vào năm 1952. Trong lần in 1952 có đầy đủ nhất các tác phẩm của Tản Đà gồm thơ ca, từ khúc, chèo, sấm, lý, hát ả đầu, văn dịch...nhưng truyệt nhiên không có bản dịch Phong Kiều dạ bạc như đã nói trên. Thời đất nước chưa thống nhất, ở Sài Gòn có hai quyển sách in bản dịch trên và ghi người dịch là Tản Đà. Đấy là “Thơ Đường tập 1” in năm 1957 của Trần Trọng San và “Văn chương Trích diễm” in năm 1957 của Lý Văn Hùng. Sự nhầm lẫn của hai tác giả này dẫn đến các tập thơ Đường in sau đó đều ghi bản dịch trên là của Tản Đà.

      Mãi đến năm 1995 khi khảo đính và chú thích bài Thu dạ lữ hoài ngâm của Đinh Nhật Thận (2), học giả Nguyễn Quảng Tuân cùng các cộng sự tìm đọc tập Trong 99 chóp núi (Đinh Nhật Thận với Thu dạ lữ hoài ngâm) của Đẩu Tiếp Nguyễn Văn Đề mới hay rằng bản dịch lâu nay cho là của Tản Đà lại chính là của Nguyễn Hàm Ninh (3) một nhà thơ Quảng Bình. Số là, ở sách Trong 99 chóp núi do nhà xuất bản Tân Việt ấn hành năm 1942 ông Đẩu Tiếp Nguyễn Văn Đề cho hay: Trong quá trình làm sách ông có mượn được một số di cảo thơ văn của Đinh Nhật Thận trong tủ Sách của Nguyễn Hàm Ninh. Ông cũng may mắn tìm thêm được một số di cảo của Nguyễn Hàm Ninh là bạn thân của Đinh Nhật Thận và Cao Bá Quát, trong đó có bản dịch bài thơ Phong Kiều dạ bạc mà lâu nay người ta cho là của Tản Đà. Nguyên văn bài dịch Của Nguyễn Hàm Ninh được Đẩu Tiếp Nguyễn Văn Đề chép lại như sau:

      Đêm đậu thuyền ở bến Phong Kiều
      Quạ kêu, trăng lặn, trời Sương,
      Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ.
      Thuyền ai đậu bến Cô Tô
      Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San (4)

      Câu đầu của bản dịch này (Quạ kêu, trăng lặn, trời Sương) có khác cầu đầu của bản dịch mà lâu nay nhiều người cho là của Tản Đà (Trăng tà chiếc quạ kêu sương ) Có lẽ do tam sao thất bản lâu ngày mà thành ra như vậy!

      Xóa
  24. Cám ơn bác Bu đã làm sáng tỏ nghi vấn của bác Chung RU và cả tôi nữa!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cứ như chơi mà học học mà chơi như tuổi thơ vậy bác ạ

      Xóa
  25. Đọc bài của chú, cháu bị ngợp trong kho kiến thức uyên thâm! cảm ơn chú nhiều nhiều! cháu sẽ dành nhiều thời gian sang chú để học hỏi, suy ngẫm!
    Nhưng mà dạo này đầu năm học, bận quá chú ơi! lâu lâu chú qua cháu với nhé!

    Trả lờiXóa
  26. Thật ra dịch thơ là rất khó, mỗi người cố gắng diễn đạt theo một cách... Đọc nguyên tác mà hiểu là sướng nhất. Bác Bu bắt lỗi khá hay.

    Tác giả Lê Nguyễn Lưu có một cách hiểu bài thơ Hồi hương ngẫu thư rất mới lạ nữa ạ.

    Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi
    Hương âm vô cải mấn mao tồi
    Nhi đồng tương kiến bất tương thức
    Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai.

    Tác giả cho rằng "Nhi đồng" ở đây là bạn từ hồi nhi đồng chăn trâu mà cũng không nhận ra. Nếu quả có thế thì nỗi buồn sâu hơn cách hiểu thông thường. Nhưng có thể hiểu thế được không các bác nhỉ...

    Trả lờiXóa
  27. quan ly quan cafeđiều ấy chắc hẳn chúng tôi sẽ làm hài lòng các bạn với phần mềm HTRM.net này
    Dịch vụ phần mềm quản lý nhà hàngĐặc biệt hơn khi sử dụng phần mềm của chúng tôi bạn sẽ được miễn phí rất nhiều thứ mà bạn ko ngờ tới
    công ty thiết kế web giá rẻ nhưng chất lượngHTSolution là một công ty thiết kế website chuyên nghiệp cà chất lượng nhất, chúng tôi luôn đem đến cho các bạn những sản phẩm chất lượng và uy tiến hàng đầu
    thiet ke website gia re chat luongbạn cần thiết kế website với giá rẻ mà chất lượng.? xin thua với các bạn rằng chỉ có chúng tôi chúng tôi luôn mang đến cho các bạn dịch vụ thiết kế website giá rẻ mà chất lượng nhất, chính vì vậy các bạn hãy yên tâm và đặt niềm tiên ở chúng tôi
    dịch vụ chỉnh sửa webHiện nay với thế hệ web 2.0 thì rất nhiều web đã bị lỗi thời và xuống cấp trầm trọng khiến cho công ty doanh nghiệp roai vào tình cảnh khó khăn khi website xuống cấp và kém hiệu quả. Bạn không phải lo lắng đã có chúng tôi dịch vụ nâng cấp và sửa chửa websiet sẽ giúp bạn làm điều đó, mang lại sự chất lượng tốt nhất đến website của bạn
    lam website chuan seobạn là người đam me kinh doanh.? bạn đang cần cho mình một website chất lượng.? Yên tâm hãy đến với HTSolution mọi vấn đề của bạn đều được chúng tôi giải quyết hãy yên tâm đặt niềm tiên ở chúng tôi nhé.

    Trả lờiXóa