Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

CHẴN MƯA THỪA NẮNG




Cháu Ngọc Tú năm 2014


Vợ chồng Ngọc Tú và hai con trai


Ở biển Phú Quốc

 Không biết từ bao giờ, người dân vùng Bình Trị Thiên cho rằng con tắc kè kêu tiếng lẻ trời mưa, kêu tiếng chẵn trời nắng. Câu ngạn ngữ  “Chẵn mưa thừa nắng” là mặc định cho khả năng kì bí ở giống tắc kè của người Bình Trị Thiên, và gợi ý cho cô con gái bu Nguyễn Thị Ngọc Tú viết chuyện cổ tích đăng báo Quảng Bình năm 1998. Lúc đó cháu học lớp 11 chuyên toán ở Đồng Hới.

***

Nhân chuyến đi công tác ở miền núi ba tôi mua về một đôi tắc kè để ngâm rượu. Ba bảo rượu tắc kè bổ gân cốt. Rượu trắng Tượng Sơn (1) đã có sẵn, chỉ việc mổ bụng, moi mắt, lấy hết gan ruột vứt đi rồi cho tắc kè vào lọ là xong. Ba chưa kịp ra tay thì mẹ tôi nhẹ nhàng:                                                                                                 
 - Rượu bổ người bán đầy ngoài phố, hôm nào em mua cho, giết con vật hiền lành vậy tội nghiệp.                                                  
    Ba vốn hay nể mẹ, ông chưa biết phản ứng ra sao thì mẹ tôi vẫy cu Nhọ - em trai tôi  đến, đưa giỏ tắc kè cho nó và bảo:                      
  - Quà đặc biệt ba mua trên rừng Trường Sơn về tặng con đấy.        
 Cu Nhọ mở nắp giỏ nhìn vào rồi tròn xoe mắt.                                 
  - Ôi, hai con gì mẹ ạ.                                                                        
  - Con đặt giỏ vào dưới gốc mít cạnh cửa sổ rồi mở nắp ra thì khắc biết.                                                                                             
Thằng Nhọ làm theo lời mẹ, loáng một cái hai con tắc kè da mốc xám như hai que củi mục lao ra khỏi giỏ thoăn thoắt trèo lên cây và chui tọt vào một hốc sâu nhất. Nhọ ta vô cùng ngạc nhiên, hết đưa mắt nhìn vào hốc cây lại nhìn mẹ. Mẹ tôi ôm nhọ vào lòng bảo “Hai nhà dự báo thời tiết của làng quê đấy, người ta gọi các chú là Tắc kè. Câu chuyện về  Tắc kè dài lắm để mẹ kể con nghe

***

Ngày xưa ở một làng quê dưới chân núi nọ có một cậu bé khoảng mười ba mười bốn tuổi, bố mẹ mất sớm cậu ở với bà ngoại trong cảnh nghèo túng quanh năm. Sau một trận ốm nặng bà cậu bị mù cả hai mắt không còn cấy lúa làm vườn gì được nữa. Cậu bé phải xoay xở kiếm sống và nuôi bà. Hàng ngày ngoài việc cuốc đất làm vườn cậu còn vào rừng  kiếm  măng, hái quả,  đào cây thuốc mang về bán. Cậu siêng năng chăm chỉ nên của rừng kiếm được khá nhiều.  Đôi lúc không dùng hết phải phơi khô  để bán vào dịp khác. Bà cậu chỉ quanh quẩn làm việc lặt vặt trong nhà giúp cháu. Những ngày nắng to bà trông coi những thứ phơi ngoài sân, hễ có mưa thì dùng lá kè dậy lại hoặc lọ mọ khuân vào nhà. Do mù lòa nên bà không thấy mầy trời vần vũ chuyển mưa, nhiều khi mưa ập xuống bất thường làm bà trở tay không kịp. Nỗi băn khoăn của bà luôn hiện lên trên khuôn mặt già nua làm cậu bé khắc khoải không yên. Một hôm  cậu nói với bà:                                                                                - Bà ơi, từ nay vào rừng cháu sẽ mang theo chiếc tù và, lâu lâu cháu thổi lên để bà biết là cháu đang bình an vô sự và báo cho
bà biết là trời đang nắng hoặc sắp mưa. Cháu giao hẹn với bà thế này, hễ tiếng tù và lẻ là trời nắng, tiếng tù và chẵn là trời mưa. Bà cứ nhớ chẵn mưa thừa nắng cho dễ. Trời nắng to hay sắp mưa lớn thì số tiếng lẻ tiếng chẵn  cháu thổi lên càng nhiều. 
    Nhưng tham của rừng rưng rưng nước mắt, vật phẩm cậu kiếm được ngày mỗi cạn dần, cậu phải luồn lách vào những cánh rừng sâu hơn mới hái lượm được.   Một hôm cậu lạc bước vào một khu rừng lạ, chung quanh cậu cây cối xanh tươi khác thường. Hoa rừng khoe sắc trăm hồng ngàn tía tỏa hương ngào ngạt. Dưới một hồ nước phẳng như gương nhìn rõ từng đàn cá ngũ sắc lấp lánh như ánh sáng mặt trời tung tăng bơi lội.  Tiếng chim rừng lãnh lót hòa với tiếng gió xào xạc, tiếng róc rách của suối chảy làm thành một bản hòa tấu rừng du dương đến mê hồn.  Cậu bé như đi vào giấc mơ, quên cả thời gian và công việc phải làm. Mây đen vần vũ trên đầu mà cậu không hề hay biết. Cho dến khi mưa rừng ào xuống cậu nhớ đến chiếc tù và thì nước lũ đã dâng cao, suối rừng gầm gào cuồn cuộn như một đàn ngựa bất kham vô chủ.

***

Sau cơn lũ thất thường ấy cậu bé chạy về bản thì ngôi nhà lá và bà ngoại biến đâu mất. Cơn lũ quét làm tiêu điều làng bản, cuốn trôi không biết bao nhiêu là người, vật nuôi, và hoa màu.  Cậu bé vừa khóc thương bà vừa đi theo dòng suối để tìm cho kì được xác bà đưa về chôn cất. Cậu di mãi, đi mãi không biết đã mấy ngày đêm nhưng không thấy xác bà đâu. Một hôm đang luồn rừng  thì một khối vằn vện to tướng trong bụi rậm nhảy ra đè nghiến cậu xuống.  Cậu tỉnh trí ngay và biết mình đang bị hổ đói làm hại. Lập tức tay phải cậu cắm phập mũi dao nhọn vào mắt hổ làm nó gầm lên và chạy biến vào rừng. Nhưng khắp người cậu đầy rẫy thương tích, máu chảy tràn ra đỏ thắm một vùng đất, cậu kiệt sức lê vào một hang đá, rồi lịm dần, lịm dần, và tắt thở. Xác cậu nằm giữa rừng không một ai biết đến, lâu ngày mục rữa dần và hóa thành tắc kè như con vừa thấy đó.  Nhớ lại chuyện xưa tắc kè rất hối hận và quyết chí sữa sai bằng cách thông tin thời tiết cho mọi người.  Thay vì thổi tù và như ngày xưa, tắc kè rung làn da dưới cổ họng để phát ra thành tiếng.
    Mẹ chưa ngừng lời, cu Nhọ đã chen ngang vào:                             

-Tắc kè nằm kín trong hốc cây làm sao biết được trời âm u sắp mưa hay đang nắng hở mẹ.                                                                 
- Con biết không, tắc kè không nhìn trời bằng mắt mà bằng bộ da mốc thếch như củi mục kia. Da nó vô cùng nhạy cảm với độ ẩm không khí khi thời tiết thay đổi.

***

Bổng từ trong hốc cây mít vang lên mấy tiếng âm vang mà trầm đục.. tắc kè…tắc kè…tắc kè….tắc kè… làm cu Nhọ tròn mắt, nó vổ tay rối rít                                                                                        
- Mẹ ơi, tắc kè kêu chẵn bốn tiếng                                                   
Cả nhà không ai bảo ai đều ngẩng lên nhìn trời. Lạ thay, lưng trời như đang thấp xuống và ngả xám màu chì. Gió đổi chiều và thổi mạnh  làm lá khô và bụi cát bay tung tóe.  Da thịt mọi người đã nhận được cảm giác man mát của bụi nước li ti. Và không đầy năm phút sau, một cơn mưa trắng trời đổ xuống trong tiếng hò reo sung sướng của cu Nhọ. Hoan hô tắc kè,  chẵn mưa thừa nắng, hoan hô tắc kè chẵn mưa thừa nắng. Qua cơn phấn khích Nhọ ta kê ghế bên cửa sổ ngắm hốc cây hai nhà dự báo cư trú nó đăm chiêu suy nghĩ ra chiều mông lung lắm.  









56 nhận xét:

  1. Câu chuyện cảm động về tắc kè mà mẹ đã kể cho cu Nhọ rất hay. Con làm văn hay tuy học toán, mẹ kể chuyện hay và có lòng nhân hậu, cu Nhọ còn nhỏ nhưng đã biết đăm chiêu vì một câu chuyện kể...

    Nhưng nhờ có ông bố mua về cặp tắc kè tính ngâm rượu bổ uống trừ "đau lưng nhức mỏi", nên mới có câu chuyện hay này, hìhì!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bây giờ theo mưu sinh cháu Tú không động gì đến văn chương nữa bác à

      Xóa
  2. Nhưng "bộ bốn" trong ảnh kia mới là tác phẩm hay hơn cả!

    Trả lờiXóa
  3. có một dạo Mộc đọc báo thấy người ta không đồng ý với các loại rượu dầm như tắc kè, bìm bịp này, kể cả nhau thai vốn rất dược ưa chuộng hàng mấy chục năm trước cũng không phải là tốt, nó gần như phản khoa học ... nhưng Mộc chỉ đọc thôi chứ đúng sai thì không biết anh ạ, chúc anh vui!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người không biết uống rượu như bu lại hay tích trử rượu hihihi

      Xóa
  4. Anh Bu ui, cô bé Tú ngày đó còn nhỏ mà đã viết hay như vậy. Tú cũng đã thừa hưởng tài viết lách của bố Bu rùi, giỏi cả văn lẫn toán, đúng là con nhà nòi mừ! Nhìn cái tiểu gia đình hạnh phúc này, thấy... mát mắt lắm! hehe...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tú bây chứ viết Facebook chủ yếu "khoe" hai thằng giặc
      Hạnh phúc con người cũng chỉ đơn giản thế thôi giaolag à

      Xóa
  5. Một gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Chúc mừng bác Bu có con gái giỏi và có hai cháu ngoại cưng.

    Trả lờiXóa
  6. Chị Tú nhà mình giỏi thật!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thảo Anh của Kichbu mới thiệt là nhân tài chị Tú chỉ là học trò nhỏ thôi.
      Bu có mở Facebook nhưng để bac gái theo dõi Tuấn Tú viết gì thôi, ở đó láo nháo quá bu không mấy hào hứng vô

      Xóa
  7. Đúng là con gái gia đình nền nếp thư hương bác Bu ạ. Truyện hay lắm...

    Trả lờiXóa
  8. Toro NPK xuất hiện là mừng lắm sao không thấy viết gì thêm TORO ơi

    Trả lờiXóa
  9. - Truyện ngắn rất hay, xúc tích. Lớp 11 mà viết được như vậy là tuyệt rồi. Đúng là gái con ngoan và giỏi hơn cha. Nhưng rồi cũng may mà con gái rượu không đi theo con đường văn chương, nếu không thì lúc nào cũng ra ngẩn vào ngơ như Bu tiên sinh, hê hề.
    - Mới hai cháu ngoại trai chưa đã. Phải phấn đấu là sao cho đủ một đội bóng chuyền mới thú vị, và để ông cháu quây quần ngồi nâng ky và đàm đạo văn chương...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Báo cáo bác, cháu Tú học xong 12 bu bảo con có hai cách học, học cho no và học cho đẹp. Bà xã nói ngay: thôi thôi thằng anh nó học kiến trúc là đẹp chán rồi, Lần này để mẹ con em lo. Anh xem, ông nhà thơ danh tiếng XH hàng xóm ta 60 năm nay toàn làm cái đẹp, thơ ông long lanh làm xao xuyến lòng người vậy mà không đủ sức làm ngôi nhà cấp 4, chính công ty anh phải hỗ trợ ba tạ xi măng.
      Hihi kết quả là bà xã bu ngân hàng, con gái con rể ngân hàng...đến cô con dâu cũng ngân hàng nốt... may mà bu được làm phu lục lộ ....

      Xóa
    2. Thảo hèn: "Tiền vào như nước Hồng Hà / Tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin", hề hề...

      Xóa
    3. Tiền vào như nước Hồng Hà
      Toàn tiền chính phủ đâu là tiền bu
      Yêu nghè lục lộ.Làm phu
      Xi măng cát đá bụi mù cũng ...vui

      Xóa
    4. Anh Bu quả thật giỏi giang
      Vợ con người của ngân hàng cả thôi
      Đời sống như thế ổn rồi
      Thong dong mạng mẽo ta ngồi làm thơ.

      Xóa
    5. Làm phu lục lộ về vườn
      Lai rai đủ sống , tâm hồn thảnh thơi
      Lâu lâu bạn Sỏi sang chơi
      Đọc câu thơ thẩn mà cười cho vui

      Xóa
  10. Được Được lắm !
    Anh đăng và trân trọng trí phẩm của cháu, đó là cách tận hưởng hạnh phúc một cách trọn vẹn, nhất là khi đã lên lão, cái thời điểm gia đình gia đình đoàn kết yêu thương nhau là trên hết. Tiền bạc, công danh có ý nghĩa khi bên cạnh mình là vợ đẹp con khôn, đã đến thời điểm để nói câu; đó chính là cái mình cần. Vui và chia sẻ với anh.
    Luôn mong anh khỏe Chị và các cháu lấy nụ cười của anh làm niềm vui, làm ý nghĩa của cuộc sống!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn lời tâm sự thân tình của bạn HÒN SỎI
      Bu cũng đang mong được sức khỏe để gặp gỡ chuyện trò với bạn bè
      Chúc bạn Sỏi có nhiều bài viết thiệt hay

      Xóa
  11. Xin chúc mừng anh Bu có cô con gái thật xinh mà lại vừa giỏi nữa . Cô con gái của anh viết truyện rất hay và rất cảm động ...chất văn hiền hòa và mang tính giáo dục làm xao xuyến lòng người ....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn lời nhận xét của bạn
      Hiện nay vợ chồng bu ở gần nhà con gái, thích nhất là hàng ngày được chơi vơi hai thằng cháu ngoại

      Xóa
    2. .Ở VN người già thì niềm vui của họ là con cháu , ngược lại ở bên đây với quảng đời còn lại của họ là chú chó hay mèo là niềm vui và là người bạn đồng hành ...

      Xóa
    3. hihi Tây họ ghét người chén thịt cho là phải lắm, nghe đâu họ có một thứ đạo gọi là cẩu đạo nữa, Toàn sự lạ NT nhỉ

      Xóa
  12. Phù Sa sang thăm bác Bu đây. Câu chuyện thật xúc động bác ạ.
    Cháu nội bác thật đáng yêu. Chúc mừng bác và đại gia đình ta.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phusa nhầm chút, là hai cháu ngoại của bác.
      Con gái bác cũng rất xinh bác a, như diễn viên điện ảnh ấy

      Xóa
  13. PHUSA dạo này bận nhiều việc mà ghé sang bu là quý hóa lắm lắm.
    hihihi bu có hai đứa cháu nội (một trai, một gái) trên Sài Gòn cũng đáng yêu lắm

    Trả lờiXóa
  14. Vậy nên các bà luôn luôn đúng ...là cấm có sai ,bác ạ !

    Trả lờiXóa
  15. Chúc anh mạnh khỏe, bình an và hạnh phúc

    Trả lờiXóa
  16. Vâng, để em tiếp tục chơi bên này, lâu nay vắng quá nên lười bác ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Viết cái gì đó "cù" vào người đọc, tài năng TORO mà sang chỗ láo nháo như fb nó phí đi, Đang chờ bạn đây.

      Xóa
  17. Tú đúng là con nhà tông.
    Người ta chẳng mấy người giỏi tự nhiên mà lại theo xã hội. Trong cuộc mưu sinh, văn chỉ như bát nước chấm, ngọn rau thơm, chiếc nơ gài áo...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Văn chương làng nhàng thì đúng là như bạn nói
      Còn siêu như Nguyễn Du, Lep Tonstoi, Vectohugo thì quá hiếm hoi phải không

      Xóa
    2. Làng nhàng thì lo mưu sinh cho mình, còn siêu thì lo cuộc mưu sinh cho thiên hạ!?
      Tú có nụ cười hoàng hoa của bác Bu gái, ngắm rất thích.
      Vừa rồi vào chơi QB, CT có đc vô thăm trường Đào Duy Từ, nghe nói là tiền thân của trường chuyên Đồng Hới, thấy thầy hiệu trưởng trường có nét gì đó giống bác Bu. Có lẽ nét giống đó là"chất Quảng Bình" chăng? Vậy nên CT k thể chuyển lời hỏi thăm của bác Bu được. Nhưng khi nào về quê, bác Bu có thể kiểm nghiệm độ chính xác trong cảm nhận của CT...:))

      Xóa
    3. Cầu Tre ơi
      85 vạn dân Quảng Bình chắc chắn là có chất Quảng Bình giống nhau. Bu và ông hiệu trưởng kia chỉ giống nhau về chất thôi chớ còn nét thì chưa hẳn. Vì Cầu Tre mới gặp ông hiệu trưởng nọ mà chưa gặp bu....
      Nét là hình dáng còn chất là bản sắc là tính cách
      Tú cười giống bà nội (QB gọi là mệ) bà ra đi ở tuổi 93 lúc con gái bà là hoa khôi của Đồng Hới. Bà lấy chồng khi 19 tuổi lúc đó ông già bu đã 38 tuổi rồi... hihi

      Xóa
    4. Hoa đẹp thì sớm vào tay quân tử. Bác Bu đúng là dòng dõi kính nhi viễn chi đấy ạ!:)

      Xóa
    5. Bác Bu và CT lại bất đồng ngôn ngữ rồi...
      CT gặp bác Bu qua blogspot và yahoo blog đấy thôi:)
      Có phải người Quảng bình nào cũng mang chất Quảng bình rõ nét đâu ạ.
      Trong các cô hoa hậu gần đây, chỉ có Nguyễn Thị Huyền và môt vài người nữa được coi là đẹp vẻ đẹp Việt rõ nét. Hôm ở cửa động Thiên Đường, CT và cô bạn gặp một nhóm đồng hương, CT đi qua họ không nói gì, nhưng khi thấy cô bạn CT, mây người đều ồ lên: cô này đúng người BH mình rồi khiến CT và cô ấy tròn xoe mắt, thú vị...:))

      Xóa
  18. Một nhà phúc lộc gồm hai! Em hết lời để khen ngợi cháu và cả gia đình lớn của Bác Bu Bác Hà rồi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chao ơi cảm động quá người dẹp Thuthuy ơi
      Trúc Nhật đã ra hoa mùa khác chưa hihihi

      Xóa
  19. Bác Bu ơi, tôi đã đi mấy nhà sách chuyên về sách Phật giáo như nhà sách của chùa Phổ Quang quận Tân Bình, khu bán sách Phật giáo trong một hẻm đối diện chùa Vĩnh Nghiêm (có lần tôi và bác đã ghé), nhà sách chuyên sách Phật giáo Trí Tuệ ở đường Nguyễn Đinh Chiểu quận 3... đều không có bộ Đại Tạng kinh Việt Nam Nam truyền của thày Thích Nhật Từ như bác đã nói. Thậm chí tôi đã tìm đến cả chùa Giác Ngộ của thày T. Nhật Từ, nơi đó có một nhà sách Phật giáo hỏi người ta cũng ngơ ngác không biết bộ sách đó. Ở đâu cũng chỉ nói có một bộ Đại Tạng kinh của thày Minh Châu 37 quyển.

    Hôm qua có việc ghé một ngôi chùa quen gặp vị Đại đức trụ trì hỏi Sư cũng không biết. Bó tay!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn sự nhiệt tình của bạn để bu tui xem lại thông tin bên trang PNH nhé

      Xóa
  20. Tú có khuôn mặt hiền hòa, phúc hậu và xinh gái do thừa hưởng nét của cả hai bác nhưng chưa xong PT mà viết kiểu này thì đúng là "hổ phụ sinh hổ tử" rồi. Mừng cho cả nhà bác Bu nhé. HN hơi bận nên vào đây trễ quá. Sorry.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bà xã bu bảo hai đứa con ông rặt nội
      Mà có khi đúng rứa thiệt hihi

      Xóa
  21. Trước đây HN có quen biết một bậc đàn anh, đạo hạnh và uyên bác một số mặt, bác ấy nói là nghe tiếng tắc kè thì biết tuổi của nó, mỗi tiếng kêu ứng với một tuổi, không biết đúng sai thế nào, giờ bác ấy đã quy tiên nên không hỏi được nhưng động vật là máy dự báo thời tiết thì nhiều như chuồn chuồn, cóc, chuột...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hồi ở quê bu nuôi nhiều tắc kè lắm, thỉnh thoảng kiểm tra xem tính dự báo của nó nhưng không thấy có gì rõ ràng...số tiếng kêu liên quan đến tuổi thì bây giờ mới nghe HN nói
      Tắc kè bu nuôi sang vườn hàng xóm và sau đó đi thẳng vào hũ rượu của họ hihihi

      Xóa
  22. Sang anh đọc bài không thôi chưa đủ, đọc cả comment nữa chứ , cái gì cũng hay !
    Sỏi luôn có cảm giác hài lòng mỗi lần sang anh!

    Trả lờiXóa
  23. Được Sỏi hài lòng là vui rồi

    Trả lờiXóa
  24. Em ghé thăm bác Bu. Có lời cảm ơn bác đã để lại comment cho bài viết của em là một bài thơ thật hay, giàu ý nghĩa với ngụ ý như một lời khuyên vậy. Cảm ơn bác Bu rất nhiều.

    Trả lờiXóa
  25. Lời khuyên thì có còn hay thì chắc không hehehe

    Trả lờiXóa